Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Những “giấy phép con”... kỳ lạ!

Từ năm 2004, khi Luật Kế toán có hiệu lực, dịch vụ kế toán trở thành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Dự thảo Luật SĐBS Luật Kế toán được Bộ Tài chính hoàn thành quy định thêm những điều kiện khắt khe với DN kinh doanh dịch vụ kế toán.

Ảnh: vneconomy
Ví dụ, về đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều 55b dự thảo luật quy định: "1. Người có đủ các điều kiện được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Bộ Tài chính... 2. Người có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 thực hiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định".
Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, khoản 1, điều 55d dự thảo luật quy định: "1. Cty TNHH 2 thành viên trở lên khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán phải có đủ các điều kiện sau đây: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật; Có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có 2 thành viên góp vốn; c) Người đại diện theo pháp luật, GĐ hoặc TGĐ phải là kế toán viên hành nghề; Phần vốn góp của những người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của DN...".
"Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Bộ Tài chính" là một "giấy phép con" kỳ lạ. Bởi, một kế toán viên 5 năm công tác lại phải trải qua một kỳ thi quốc gia mới lấy được "chứng chỉ hành nghề kế toán", nhưng để được hành nghề lại phải xin " Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề"!
Thứ hai, yêu cầu "Có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề" là không khả thi. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Bộ Tài chính chỉ tổ chức thi cấp Chứng chỉ hành nghề kế toán một lần và mỗi lần chỉ cấp được 25 -30 chứng chỉ. Như vậy, tổng số nguời được cấp Chứng chỉ hành nghề kế toán chỉ vào khoảng 300 người, như vậy, lấy đâu ra số nguời có chứng chỉ hành nghề cho đủ theo quy định?
Thứ ba, quy định "trong đó tối thiểu phải có 2 thành viên góp vốn" là quá mức cần thiết. Bởi, người có chứng chỉ hành nghề không bắt buộc phải góp vốn vào Cty, mà được phép làm việc theo hợp đồng lao động. Quy định đó sẽ gây khó khăn lớn cho việc thành lập DN dịch vụ kế toán khi không thể thuyết phục được người có chứng chỉ hành nghề tham gia góp vốn. Quy định "Người đại diện theo pháp luật, GĐ hoặc TGĐ phải là kế toán viên hành nghề" cũng vô lý. Không phải ai có "chứng chỉ hành nghề kế toán" là có kinh nghiệm quản lý DN. Dịch vụ kế toán không đòi hỏi vốn lớn, không phải lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm có thể phải bồi thường vật chất đến mức phải quy định vốn pháp định. Quy định "Phần vốn góp của người có chứng chỉ hành nghề kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của DN..." không khả thi.
Dịch vụ kế toán là lĩnh vực "năng nhặt, chặt bị", không phải cứ có chứng chỉ hành nghề kế toán là đã có tiền góp vốn thành lập DN. Điều quan trọng là quy định hệ thống với 8 giấy phép con... 82 DN dịch vụ kế toán đã đăng ký hành nghề với Hội Kế toán và Kiểm toán VN. Các DN dịch vụ kế toán hoạt động hợp pháp đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt với lực lượng làm dịch vụ kế toán bất hợp pháp (không có chứng chỉ hành nghề, không đăng ký hành nghề), hoạt động dịch vụ kế toán của các Cty kiểm toán độc lập và các DN tư vấn thuế.
Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cần hỗ trợ DN dịch vụ kế toán tồn tại và hoạt động, có những biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của lực lượng "kế toán chạy sô", đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý về chất lượng dịch vụ, thay vì đặt ra “giấy phép con” để “hành” DN!